Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTốn 20.000 USD xin giấy phép xuất khẩu gạo: Dân gánh hết?

Tốn 20.000 USD xin giấy phép xuất khẩu gạo: Dân gánh hết?

Nếu quyết tâm và làm nghiêm túc, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra sự thật việc doanh nghiệp than phải bỏ 20.000 USD để xin giấy phép xuất khẩu gạo.

Nếu quyết tâm và làm nghiêm túc, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra sự thật việc
doanh nghiệp than phải bỏ 20.000 USD để xin giấy phép xuất khẩu gạo.

Thực trạng 10 năm trước

Chiều 22/2, phát biểu tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017 tại TP.HCM, ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC đã chia sẻ thông tin, mỗi lần xin phép xuất khẩu gạo doanh nghiệp đều tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD.

Ông Nam chia sẻ, có những doanh nghiệp  rất uy tín, có sản phẩm tốt nhưng lại không đủ diện tích vùng nguyên liệu theo quy định. Để xuất khẩu được, họ đã phải chạy thủ tục.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề doanh nghiệp phản ánh, GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam khẳng định, cách đây khoảng 10 năm ông đã từng được nghe câu chuyện các công ty muốn được cung cấp gạo xuất khẩu phải tìm mọi cách để lo lót, đưa tiền.

Theo GS Xuân, thời điểm đó, Tổng công ty lương thực Vinafood nắm hết quota xuất khẩu. Các doanh nghiệp, công ty khác không được quyền trực tiếp xuất khẩu lúa gạo. Vinafood mang đơn đặt hàng xuống dưới vùng Cái Bè nơi có hơn 40 nhà máy xay sát gạo, vốn đã xay xát sẵn gạo và chỉ chờ lau bóng.

“Vinafood nhận được đơn đặt hàng khoảng 10.000 tấn thì sẽ tới các doanh nghiệp thu gom để sau đó xuất khẩu. Giao cho công ty này 1.000 tấn, doanh nghiệp khác 2.000 tấn. Tức là giao quota để lấy tiền.Và nhiều doanh nghiệp giành nhau quota nên chấp nhận lo lót, đưa tiền nhiều hơn. Người thì được 500 tấn, người 1.000 tấn, người 3.000 tấn.

Trước đây thì thế, nhưng gần đây thì đã bỏ việc này rồi. Hiện nay doanh nghiệp tự xuất khẩu là chính. Nó họ đảm bảo được các yêu cầu thì có quyền xin phép giấy phép xuất khẩu lúa gạo”, GS Xuân chia sẻ.

Về thông tin doanh nghiệp mất đến 20.000 USD để được cấp giấy tờ xuất khẩu, ông Xuân khẳng định, bản thân chưa được doanh nghiệp than phiền về vấn đề này.

“Tôi thực sự tôi không nắm được những công ty này phải lo lót bao nhiêu để được xuất khẩu. Tuy nhiên khi giám đốc doanh nghiệp đã nói ra như vậy, tức là họ đã có bằng chứng cụ thể. Không thể nói ra khi không có căn cứ như vậy”, ông Xuân khẳng định.

Không khó tìm ra sự thật  

GS Võ Tòng Xuân nhắc đến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn về việc thành lập đoàn kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc mà doanh nghiệp cũng như báo chí đã nêu.

Theo ông Xuân, nếu cơ quan nhà nước có quyết tâm và làm nghiêm túc, chúng  ta sẽ dễ dàng tìm ra sự thật đằng sau việc doanh nghiệp than phải bỏ 20.000 USD để xin giấy phép xuất khẩu gạo.

“Tôi nghĩ việc này sẽ nhanh thôi. Trước tiên Bộ Công Thương cần tìm đến doanh nghiệp đưa ra phản ánh để yêu cầu báo cáo giải trình cụ thể. Cần phải trả lời rõ các câu hỏi: doanh nghiệp đưa tiền cho ai, những khâu nào, đưa  bao nhiêu tiền và đã đưa trong bao lâu. Từ thông tin trên chúng ta sẽ làm việc với các đơn vị liên quan.

Đối với xuất khẩu gạo tại Việt Nam thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đơn vị được giao nắm quota xuất khẩu. Tổng công ty Lương thực Vinafood cũng nắm vai trò rất quan trọng. Do đó khi doanh nghiệp đã phản ánh, tôi nghĩ cần làm việc chủ yếu với 2 đơn vị trên.

Nhưng một khi doanh nghiệp đã lên tiếng thì có thể có các số liệu hoặc bằng chứng cụ thể. Chứ nếu không họ làm sao dám đứng lên phát biểu như vậy?”, ông Xuân khẳng định.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng vào cuộc điều tra để làm rõ những vấn đề, công khai, minh bạch thông tin. GS Xuân cho rằng, nếu chúng ta không truy đến cùng sự việc người nông dân sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhất khi bị doanh nghiệp ép giá để trang trải cho các khoản lót tay chạy giấy tờ.

“Nếu không quyết liệt thì cuối cùng sẽ lắng xuống chỗ người nông dân. Họ làm ra lúa gạo nhưng không xuất khẩu được. Và thậm chí phải chịu giá rẻ vì đáng lẽ số tiền người dân được hưởng, doanh nghiệp đã bớt lại để chạy thủ tục, giấy tờ”, ông Xuân lo lắng.

Không để VFA nắm quota xuất khẩu

Giáo sư Võ Tòng Xuân thừa nhận, hiện nay Việt Nam đang là một trong những nước có trữ lượng gạo xuất khẩu thuộc loại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn than khó khi xuất khẩu và người nông dân không được hưởng lợi nhiều từ việc này.

Để giải quyết vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân khẳng định, Việt Nam cần phải có sự thay đổi trong hoạt động xuất khẩu gạo, trước hết là cải tổ Hiệp hội Lương thực VFA.

“Tôi cho rằng không nên để cho VFA làm cơ quan cấp quota xuất khẩu gạo. Chúng ta cần coi đây như  là một hiệp hội xã hội và không có quyền nhà nước.  Làm như vậy để tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Việc cấp quota xuất khẩu cần giao cho các cơ quan nhà nước tại cảng hoặc tại Bộ Công Thương dựa theo các quy chế đã được ban hành”, ông Xuân nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai được vị Giáo sư chỉ ra, đó là các nghị định, quy chế, thủ tục cho xuất khẩu gạo phải được hoàn thiện, rõ ràng, công khai minh bạch.

“Nếu doanh nghiệp đảm bảo được các yêu cầu về điều kiện xuất khẩu gạo như quy định đề ra thì cần phải tạo điều kiện, khuyến khích họ.  Nếu các công ty có đầy đủ điều kiện mà cơ quan nhà nước đòi hỏi đưa tiền là sai trái, là tham nhũng. Cần phải xử lý triệt để vấn đề này”, ông Xuân nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới