Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiện đàm Trump-Tập: TQ thể hiện trách nhiệm nước lớn hay "ván...

Điện đàm Trump-Tập: TQ thể hiện trách nhiệm nước lớn hay “ván bài” 1 mũi tên trúng 2 đích?

Sau khi về nước từ chuyến công du Mỹ, trong chưa đầy hai tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có hai cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Ảnh: Tân Hoa Xã

Sáng 24/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm mới nhất với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là lần thứ hai hai nhà lãnh đạo tiến hành điện đàm về vấn đề Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ hồi đầu tháng vừa qua.

Đáng chú ý, thời gian từ cuộc hội đàm thứ nhất cách cuộc hội đàm thứ hai chưa đầy hai tuần. Điều này khiến giới truyền thông dấy lên câu hỏi: Nguyên nhân gì thúc đẩy nhu cầu trao đổi giữa Nhà Trắng và Trung Nam Hải trong thời gian ngắn như vậy?

Theo giới quan sát, nguyên nhân khiến ông Tập lựa chọn điện đàm với người đồng cấp Mỹ tại thời điểm này là do tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiền đang ở mức nguy hiểm hơn hai tuần trước đây nên Bắc Kinh không thể không “ra mặt kiểm soát”. Đồng thời ngăn chặn hai “sự cố” có khả năng phát sinh.

Ngăn chặn Mỹ tập kích Triều Tiên

Ngày 25/4 là ngày kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Triều Tiên. Theo thông lệ, mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, thường Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phóng thử tên lửa hoặc thử hạt nhân.

Ngày 22/4, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Mỹ-Hàn Quốc (USKI) cảnh báo, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 thông qua các hình ảnh vệ tinh.

Thậm chí, tờ Đa chiều (Mỹ) dẫn một nguồn tin tiết lộ, đương lượng nổ của vụ thử hạt nhân này có thể lên tới 282.000 tấn, sức đe dọa gấp hơn 10 lần vụ thử hạt nhân lần thứ năm vào tháng 9/2016 (khoảng 20.000 tấn – theo BBC).

Trước đó, ngay sau chuyến công du Mỹ của ông Tập, Tổng thống Trump tuyên bố ra lệnh cho nhóm tàu tác chiến bao gồm tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.

Đến ngày 23/4, hai tàu chiến Samidare và Ashigara của Nhật Bản đã gia nhập hành trình tới Triều Tiên của nhóm tàu tác chiến Mỹ và tiến hành diễn tập liên hợp tại vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Một số ý kiến cho rằng, động thái này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ gia tăng áp lực quân sự lên Triều Tiên của Mỹ. Nếu Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa liên lục địa hoặc thử hạt nhân, rất có khả năng sẽ “kích động Mỹ-Nhật-Hàn can thiệp quân sự”.

Đặc biệt, tờ Yonhap (Hàn Quốc) ngày 23/4 tiết lộ, Triều Tiên đã bắt giữ một cựu giảng viên đại học người Mỹ vào hôm 21/4, nâng số công dân Mỹ bị nước này bắt giữ lên con số 3.

Giới truyền thông hiện đang dấy lên tranh luận việc Washington có thể sẽ trả đũa, lại đưa Triều Tiên vào danh sách “quốc gia khủng bố”.

Nếu bị liệt vào danh sách “quốc gia khủng bố”, rất nhiều quốc gia sẽ xem xét lại các giao dịch song phương khiến Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với cục diện quốc tế nguy hiểm hơn. Điều này càng gây khó khăn cho nền kinh tế Triều Tiên.

Từ sự kiện tấn công Syria cho thấy Mỹ cũng có thể dùng lý do công dân Mỹ bị bắt giữ để tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, Đa chiều bình luận.

Có ý kiến cho rằng, cuộc điện đàm mới nhất cho thấy, Tập Cận Bình không “tin tưởng” ông chủ Nhà Trắng, lo lắng ông Trump sẽ bất ngờ hành động nên đã điện đàm ngăn chặn việc Washington dùng “ngọn cờ hợp tác Trung-Mỹ” tấn công Bình Nhưỡng.

Xung đột bất ngờ phát sinh trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn bất lợi cho Bắc Kinh, trong thời điểm nguy cấp, ông Tập đã nhắc nhở Nhà Trắng “chỉ có cùng gánh vác trách nhiệm mới có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên”, đưa nguy hiểm vào phạm vi kiểm soát.

Ngăn chặn Triều Tiên thử hạt nhân

Ngày 21/4, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đăng tải bài xã luận ngầm chỉ trích Trung Quốc ủng hộ Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, cảnh cáo Bắc Kinh về “hậu quả thảm khốc” trong mối quan hệ Trung-Triều.

Một số ý kiến nhận định, thử hạt nhân vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội – đồng thời điểm Mỹ liên tục kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ giải quyết vấn đề Triều Tiên chính là cách giúp Bình Nhưỡng thể hiện sức mạnh quân sự phủ đầu Mỹ.

Luồng ý kiến khác nhận định, việc Trump-Tập điện đàm kỳ thực là đòn phản kích của Bắc Kinh đối với những động thái gần đây của chính phủ Trump về vấn đề Triều Tiên, đồng thời cũng chuyển tới Bình Nhưỡng thông điệp, “Bắc Kinh không bằng lòng trước những hành động gây leo thang căng thẳng của Mỹ”, ngăn chặn việc Triều Tiên phán đoán sai tình hình.

Ngày 21/4, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Triều Tiên cho biết, nước này đang theo dõi chặt chẽ “động tĩnh âm mưu” chống lại Bình Nhưỡng của Washington, quân đội Triều Tiên cũng đã sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 23, tờ Rodong Sinmun (Triều Tiên) đã ví nhóm tàu tác chiến Mỹ khi đối mặt với sức mạnh quân đội Triều Tiên chỉ là “loài vật to béo” và tuyên bố sẽ nhấn chìm tàu đối phương chỉ bằng một đòn duy nhất.

Hiện nay, tình hình bán đảo Triều Tiên vừa “mỏng manh” vừa nguy hiểm, phát sinh bất cứ tình huống bất ngờ nào đều bất lợi cho Trung Quốc.

Vì thế cuộc điện đàm không chỉ thể hiện sức mạnh kiểm soát thực tế của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên mà còn giúp Bắc Kinh xây dựng hình tượng nước lớn “có trách nhiệm” trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới