Sunday, May 19, 2024
Trang chủBiển nóngCứng rắn hơn đối với TQ ở Biển Đông: Quyết định đúng...

Cứng rắn hơn đối với TQ ở Biển Đông: Quyết định đúng đắn và phù hợp của chính quyền và người dân Malaysia

Chính phủ mới của Malaysia sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốcở Biển Đông.Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đưa ra trước Quốc hội Malaysia hôm 25/7.

Tàu ngầm KD Tun Abdul Razak của Hải quân Malaysia tuần tra hàng hải ở Biển Đông. Nguồn: Reuters

Malaysia đang điều chỉnh cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp hơn trong vấn đề Biển Đông

Phát biểu trước Quốc hội Malaysia hôm 25/7, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah tuyên bố Chính phủ mới của Malaysia sẽ có lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng hiện diện và gây hấn tại khu vực này. Ông Saifuddin Abdullah nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng“tàu chiến không nên xuất hiện trên Biển Đông”và cho rằng Thủ tướng Mahathir đã “phát đi tín hiệu rằng Malaysia sẽ cứng rắn và nghiêm túc hơn” trong việc xử lý các tranh chấp hàng hải. 

Theo Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah, việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa vùng Biển Đông đã làm dấy lên quan ngại trong vùng và có nguy cơ làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Ông Saifuddin cho rằng tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2012 “không có hiệu quả” và việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực gây ra nhiều lo ngại cũng như nguy cơ leo thang căng thẳng. Cũng theo Ngoại trưởng Saifuddin, việc Trung Quốc phái tàu tuần tra lớn tới các vùng giàu tài nguyên năng lượng khiến các láng giềng khó chịu.

Chính phủ Malaysia trước đây hiếm khi chỉ trích Trung Quốc, ngay cả khi tàu tuần tra Trung Quốc áp sát vùng biển nước này. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin cho biết các Ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ nhóm họp ở Singapore vào tuần tới nhằm tìm cách tăng tốc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đồng thời yêu cầu tất cả bên liên quan phải kiềm chế và hành động theo luật pháp quốc tế. Trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Malaysia Mahathir tuyên bố sẽ giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với nước mình.

Ý kiến giới chuyên gia

Giới chuyên gia cho rằng, Malaysia nằm trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên tuyến hàng hải chiến lược có lượng lưu thông toàn cầu trị giá lên đến 5.000 tỷ USD mỗi năm. Việc Malaysia tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ngay trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sắp tới tại Singapore là tín hiệu tích cực, cho thấy sự điều chỉnh trong cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp hơn trong vấn đề Biển Đông của Chính quyền Malaysia hiện nay, nhất là trong bối cảnh cộng đồng quốc tế và các nước khu vực đang tích cực lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, cùng với những nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Có thể thấy, tuyên bố mới của Malaysia khác hẳn thái độ kín đáo, thận trọng trước đây của Chính quyền Kuala Lumpur hiếm khi lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh, kể cả khi tàu Trung Quốc áp sát hải phận của Malaysia. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng lập trường kiên quyết hơn của Thủ tướng Mahathir về Biển Đông sẽ khó trở thành thách thức đối với Trung Quốc, vốn là đối tác kinh doanh hàng đầu của Malaysia.

Malaysia đã nhiều lần phản ứng trước hành động của TQ ở Biển Đông

Tháng 10/2015, Phát biểu ngay tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn ở Bắc Kinh do Trung Quốc tổ chức, Tướng Zukkefli Mohd Zin, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia đã lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông là “khiêu khích không có cơ sở”. “Tôi muốn đề cập tới vấn đề khiêu khích không chính đáng của người Trung Quốc trong việc xây dựng phi pháp trên các đảo ở Biển Đông. Thời gian sẽ trả lời các ý định của Trung Quốc”, Tướng Zukkefli Mohd Zin phát biểu. Tháng 1/2016, Ngoại giao Malaysia lúc đó là Anifah Aman đã lên án việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm xuống đường băng mà họ xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập đã tạo môi trường không thuận lợi đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ngoại trưởng Anifah nhấn mạnh hành động trên của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước. Ông Anifah nhấn mạnh điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và DOC. Tất cả các bên phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết chung, tăng cường lòng tin và tránh bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Tất cả các bên phải duy trì cam kết nhằm xây dựng COC. Tháng 3/2016, hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị Cơ quan An ninh quốc gia Malaysia phát hiện đang đánh bắt trái phép ngoài khơi bãi cạn Luconia (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia). Ngay lập tức, Chính phủ Malaysia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đến để phản đối, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra từ Cơ quan Chấp pháp biển (MMEA) và Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đến vùng biển trên. Những phản ứng gay gắt và gần như tức thời của Chính phủ Malaysia trong sự kiện này được dư luận quốc tế và khu vực nhìn nhận như một bước chuyển biến “đột ngột” từ nhân nhượng sang cứng rắn của Malaysia trước những vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Gần đây nhất trong Tháng 5/2018, Chính quyền Maylaysia đã quyết định đình chỉ thi công để đàm phán lại các điều khoản đối với một dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD, vốn là trung tâm của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và hai dự án đường ống khí đốt khác cũng của Trung Quốc. Quyết định này của Chính quyền Malaysia đã nhận được nhiều sự ủng hộ của giới học giả và người dân Malaysia.

RELATED ARTICLES

Tin mới