Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐàm phán Mỹ - Triều lần 3 thất bại: Vấn đề hạt...

Đàm phán Mỹ – Triều lần 3 thất bại: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chưa có lời giải

Ngày 5/10, Mỹ và Triều Tiên tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tại Stockholm (Thụy Điển). Tuy nhiên, vòng đàm phán trên tiếp tục không đạt được thỏa thuận nào.

Cuộc gặp tại một trung tâm hội nghị biệt lập ở ngoại ô Stockholm là cuộc thảo luận cấp làm việc chính thức đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau vào tháng 6 và đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Phát biểu sau cuộc đàm phán, ông Kim Myong Gil, nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên cho biết, “các cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi và cuối cùng đã kết thúc”; khẳng định “sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán với việc hai bên không đạt được bất cứ kết quả nào do Mỹ không từ bỏ thái độ và quan điểm cũ đối với Triều Tiên. Mỹ đã tạo ra sự hi vọng bằng các gợi ý đề xuất như cách tiếp cận linh hoạt, biện pháp mới hay các giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, họ đã khiến chúng tôi thất vọng và làm giảm sự nhiệt tình của chúng tôi trong các cuộc đàm phán bằng việc chẳng đưa điều gì mới mẻ đến bàn đàm phán”; đồng thời nhấn mạnh, “chúng tôi đã giải thích rõ với Mỹ về các biện pháp cần thiết và cho họ thời gian. Nhưng Mỹ đã đến cuộc đàm phán với hai bàn tay trắng. Điều này cho thấy Washington không sẵn sàng giải quyết vấn đề”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng, bình luận của Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong Gil sau cuộc gặp không phản ánh hết nội dung và tinh thần của “các cuộc thảo luận tốt đẹp” kéo dài hơn 8,5 giờ; cho biết phái đoàn Mỹ đã nghiên cứu trước một số sáng kiến ​​mới, mở đường cho tiến triển trong các cuộc đối thoại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia sâu sắc hơn để giải quyết nhiều vấn đề chia rẽ giữa hai bên. Ngoài ra, bà Morgan Ortagus cho biết Mỹ cũng đã nhận lời mời từ Thụy Điển trở lại Stockholm trong hai tuần nữa để tiếp tục các cuộc thảo luận.

Các nhà phân tích cho biết các nhà lãnh đạo của cả hai nước phải đối mặt với sự thúc đẩy ngày càng tăng về việc đạt được một thỏa thuận, mặc dù không rõ liệu hai bên có thể tìm thấy điểm chung sau nhiều tháng căng thẳng và bế tắc hay không. Jenny Town, một biên tập viên cấp cao tại Trang 38 North, một dự án phân tích về Triều Tiên có trụ sở tại Washington, cho biết thông tin được đưa ra từ các cuộc đàm phán có vẻ không hứa hẹn lắm. Theo chuyên gia Jenny Town, “kỳ vọng của Triều Tiên quá cao đến nỗi việc loại bỏ ông Bolton, điều sẽ mang lại sự linh hoạt hơn về những điều Hoa Kỳ mong muốn, chỉ là những bước ban đầu. Mặc dù chắc chắn điều đó sẽ giảm đi một số sức ép đối với việc tiến tới một thỏa thuận có tất cả hoặc không có gì, nhưng dường như khoảng cách giữa những nền tảng hai bên muốn và điều họ sẵn sàng đáp lại vẫn chưa được thu hẹp”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (9/7) tuyên bố nước này mong muốn được chứng kiến hoàn tất việc xóa bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, trong đó việc đóng băng chương trình hạt nhân chỉ là bước khởi đầu của tiến trình này. Theo bà Morgan Ortagus: “Rõ ràng rằng chúng tôi mong muốn được chứng kiến sự xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt trên bán đảo Triều Tiên… Như Tổng thống đã từng nhiều lần tuyên bố, ngài ấy hy vọng rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và người dân Triều Tiên sẽ được chứng kiến một tương lai tươi sáng hơn…”. Bà Ortagus khẳng định mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên không phải là đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà là việc xóa bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo lý giải của phát ngôn viên trên thì việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ “không bao giờ là một giải pháp” hay là sự kết thúc của một tiến trình phi hạt nhân hóa, mà “chúng tôi hy vọng đó sẽ là một sự khởi đầu”. Quan chức này cũng nhấn mạnh Washington không xem việc đóng băng hạt nhân là “mục tiêu cuối cùng” mà là “bước đi đầu tiên” của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nổi lên đầu những năm 1990, khi Mỹ dựa vào thông tin từ vệ tinh nghi ngờ rằng CHDCND Triều Tiên sở hữu các cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng họ không có ý định cũng như không có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Washington triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, cho rằng đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia của CHDCND Triều Tiên. Từ tháng 5/1992 đến tháng 2/1993, CHDCND Triều Tiên đã chấp nhận sáu cuộc thanh sát bất thường của Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc (LHQ). Theo Thỏa thuận Khung được ký kết tại Geneva vào tháng 10/1994, Bình Nhưỡng đã nhất trí đóng băng chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy việc xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ và dầu nhiên liệu từ Tổ chức phát triển năng lượng trên bán đảo Triều Tiên (do Mỹ bảo trợ) nhằm bù đắp tình trạng thiếu điện tại Triều Tiên, do nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động. Trong tháng 10/2002, Mỹ nói rằng Triều Tiên đã thừa nhận nước này có chương trình làm giàu urani sau chuyến thăm Triều Tiên của đặc phái viên Mỹ James Kelly. Triều Tiên đã đáp trả bằng tuyên bố rằng họ có quyền phát triển vũ khí hạt nhân và thậm chí cả vũ khí hạng nặng. Tháng 12/2002, Mỹ đã ngừng việc vận chuyển dầu nhiên liệu tới CHDCND Triều Tiên, viện dẫn rằng Triều Tiên đã vi phạm Thỏa thuận Geneva. Đáp trả, Triều Tiên tuyên bố chấm dứt việc đóng băng chương trình hạt nhân, tháo bỏ các dấu niêm phong và camera theo dõi của IAEA khỏi các cơ sở hạt nhân bị đóng băng, khôi phục các cơ sở hạt nhân này cho việc sản xuất điện. Thêm vào đó, tháng 1/2003, CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định không có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân. Tháng 8/2003, vòng đàm phán sáu bên gồm CHDCDND Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đầu tiên được diễn ra tại Bắc Kinh. Tại đây, nguyên tắc giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại được thiết lập. Ngày 19/9/2005, đàm phán sáu bên kết thúc vòng phán thứ tư với tuyên bố chung trong đó tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên theo cách thức hòa bình. Trong tuyên bố này, CHDCND Triều Tiên “cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có”, nhưng khẳng định quyền sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân của mình. Mỹ khẳng định rằng không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường. Hàn Quốc cũng tái khẳng định cam kết không tiếp nhận và phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hứa sẽ không có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình. Ngày 13/2/2007, giai đoạn ba của vòng đàm phán sáu bên đã kết thúc tại Bắc Kinh và ra tuyên bố chung về bước đi đầu tiên hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tháng 7/2007, CHDCND Triều Tiên đã đóng cửa và niêm phong các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Đến tháng 10/2007, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai kéo dài từ ngày 2 đến ngày 4, ra tuyên bố chung trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tháng 11/2007, CHDCND Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ ba cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được ngày 3-10 (tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai) không thể thực hiện hiệu quả do có sự bất đồng trong tuyên bố hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ. Tháng 6/2008, CHDCND Triều Tiên phá hủy tháp làm lạnh tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, đánh dấu bước đi biểu tượng hướng tới phi hạt nhân hóa. Ngày 5/4/2009, CHDCND Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa, làm dấy lên quan ngại sâu sắc của tất cả các bên. Ngày 13-4, Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã thông qua tuyên bố chủ tịch về vụ phóng tên lửa ngày 5/4/2009 của Triều Tiên, khẳng định đây là hành động “đi ngược lại Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an” và hối thúc nối lại sớm đàm phán sáu bên. Bình Nhưỡng ngay sau đó tuyên bố rút khỏi đàm phán sáu bên về vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân và khởi động lại các cơ sở hạt nhân nhằm phản đối tuyên bố này của LHQ. Ngày 23/5/2009, CHDCND Triều Tiên tuyên bố tiến hành thành công vụ thử dưới lòng đất lần thứ hai kể từ năm 2006. Vụ thử hạt nhân này khiến HĐBA LHQ ra Nghị quyết 1874, trong đó “lên án mạnh mẽ nhất” chống lại các cơ quan chính quyền Triều Tiên, đồng thời yêu cầu nước này phải ngừng ngay các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Ngày 6/1/2016, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Đây được cho là lần đầu nước này thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Đáp trả, Hàn Quốc quyết định dừng các hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong giữa hai nước. Ngày 2/3/2016, HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, nhằm xóa bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ngày 9/9/2016, Triều Tiên thử tên lửa lần thứ năm. HĐBA tiếp tục các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với nước này. Ngày 3/9/2017, CHDCND Triều Tiên tuyên bố chế tạo thành công bom nhiệt hạch có khả năng gắn vào tên lửa hạt nhân xuyên lục địa (ICBM). Đầu năm 2008, mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng có bước chuyển biến tích cực khi Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018. Tháng 3/2018, ông Chung Eui-yong, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, CHDCND Triều Tiên bày tỏ thiện chí tổ chức đối thoại với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Theo quyết định của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Triều Tiên tuyên bố sẽ dừng chương trình hạt nhân và các vụ thử ICBM từ ngày 21/4. Ngày 27/4, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba tại làng đình chiến Panmunjom bên phần đất phía Hàn Quốc và hai bên thống nhất đưa ra Tuyên bố chung. Trong Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae-in tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới