Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLào có nguy cơ rơi sâu vào ‘bẫy nợ’ của TQ

Lào có nguy cơ rơi sâu vào ‘bẫy nợ’ của TQ

Lào có nguy cơ trở thành một trong những quốc gia rơi sâu hơn vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, khi nợ tích lũy đã vượt quá 60% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế.

 

Theo tờ Nikkei Asian Review, Lào, với dân số chỉ 7 triệu người, hy vọng các công ty Trung Quốc có thể đầu tư các đặc khu kinh tế và mở cửa các cơ sở hạ tầng như đập thủy điện và đường sắt cho các công ty Trung Quốc nhận xây dựng. Tuy nhiên, các nhà quan sát đã đặt câu hỏi về các dự án này, thậm chí lo ngại rằng nợ của Lào đã chồng chất như núi.

Cũng theo Nikkei Asian Review, đầu tháng 12/2019 các quan chức nước Lào và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận phát triển cho thuê 90 năm đặc khu Boten ở phía bắc Lào, liền kề với tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Tập đoàn công nghiệp Vân Nam – Hai Cheng đã được phép xây dựng các cơ sở như khách sạn, trung tâm giải trí, nhà hàng và trung tâm mua sắm để thu hút khách du lịch Trung Quốc với vốn đầu tư 10 tỷ USD, diện tích khoảng 700 ha ở khu vực miền núi.

Tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào, một kỷ lục du lịch mới đã được thiết lập trong năm 2019: hơn 1 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới đây.

Để thành lập thêm các đặc khu kinh tế như Boten, Lào hiện đã phê duyệt 14 trong số 40 đặc khu kinh tế đã quy hoạch với hy vọng chấn hưng nền kinh tế của đất nước. Trong mấy năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào là 6%.

 

Công nhân Trung Quốc đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt ở Lào (ảnh: AFP/Getty Images).

Chuyên gia hoài nghi về mô hình phát triển của Lào

Ông Shalmali Guttal, giám đốc điều hành của Focus on the Global South, một nhóm chuyên gia tư vấn của Thái Lan, nói với Nikkei Asian Review , các đặc khu kinh tế có thể là một phần của kế hoạch công nghiệp hóa, nhưng các đặc khu kinh tế của Lào đã không thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất. Thay vào đó, đất đai đang được sử dụng để phát triển khai thác các bất động sản, như khách sạn và sòng bạc.

Đầu năm nay, ông Samsana Ratsaphong, lãnh đạo ngành đường sắt của Lào cho biết tuyến đường sắt dài 414km, nối Vân Nam (thủ phủ của tỉnh Côn Minh, Trung Quốc) với thủ đô Viên Chăn của Lào đã hoàn thành một nửa và sẽ vận hành đúng tiến độ vào tháng 12 năm 2021.

Đây là một phần của sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng. Tuyến đường sắt Vân Nam – Viên Chăn được bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2015. Sau khi đến Viên Chăn, nó nối với đường sắt chạy tới Bangkok, Thái Lan, rồi xuôi về phía Nam dọc theo bán đảo Malaysia cho tới tận Singapore.

Chi phí đầu tư cho tuyến đường sắt khoảng 6 tỷ đôla làm dấy lên mối lo ngại bị sập bẫy nợ. Số tiền chi ra cho dự án đường sắt tương đương đến một nửa GDP của Lào.

Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp khoảng 70% vốn cho tuyến đường sắt, trong khi Lào – nơi có nền nông nghiệp tự cấp chiếm tới một nửa doanh thu cho nền kinh tế – chỉ trả 30% còn lại với vốn vay từ các thể chế tài chính Trung Quốc.Tuy nhiên, 30% còn lại cũng là mức quá lớn đối với Lào. Chính phủ Lào đã phải vay 480 triệu đô la từ Trung Quốc ở mức lãi 2,3% với thời hạn 30 năm. Các khoản vay được thế chấp bằng một mỏ bauxite và ba mỏ kali ở Lào.

 

Chủ tịch Bounnhang Vorachith của Lào trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 4/2019 (ảnh: Reuters).

Nguy cơ rơi vào bẫy nợ

Theo Nikkei Asian Review, trước khi kết thúc năm 2017, Lào có khoản nợ nước ngoài là 13,6 tỷ USD, trong khi GDP của nước này chưa tới 20 tỷ USD. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào, đã đầu tư 5,4 tỷ đôla kể từ năm 1989
Tháng 3/2019, Trung tâm phát triển toàn cầu có trụ sở tại Mỹ đã cảnh báo về sự phụ thuộc của Lào vào Trung Quốc.

Trung tâm nhấn mạnh rằng Lào nằm trong nhóm 8 nước có tỷ lệ nợ với Trung Quốc cao nhất trong nhóm 68 nước có tham gia vào dự án “Vành đai và Con đường.” Cơ quan này chỉ ra rằng số tiền chi ra cho dự án đường sắt tương đương đến một nửa GDP của Lào.

Tháng 08/2019, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng dự án có thể đe dọa đến khả năng trả nợ của Lào.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào cho biết nợ công đã tăng lên hơn 60% GDP – các nhà kinh tế cho rằng mức này là quá cao và nhiều rủi ro.

Các dự án xây dựng này cũng không mang đến nhiều việc làm cho người địa phương như kỳ vọng trước đó bởi Trung Quốc đưa các kỹ sư và người lao động sang Lào làm việc.

Trước đó theo tờ Nikkei, hàng ngàn gia đình người Lào phản ánh họ đáng ra sẽ nhận được bồi thường từ việc nộp đất để làm dự án cao tốc khởi công từ năm 2016 nhưng cho tới nay, số tiền bao nhiêu và thời gian nhận là bao giờ thì chưa được nhận câu trả lời rõ ràng.

 Theo ước tính chính thức, gần 4.000 ha rừng, đất nông nghiệp và hơn 3.300 tòa nhà đã được trưng dụng cho dự án. Hàng ngàn hộ gia đình đã mất đất canh tác, nhưng chưa có tiền đền bù, rơi vào hoàn cảnh túng quẫn.
RELATED ARTICLES

Tin mới