Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNguyên nhân một vệ tinh TQ bị hủy hoại

Nguyên nhân một vệ tinh TQ bị hủy hoại

Giữa tháng 3/2021, Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 thuộc Lực lượng Không gian Mỹ phát hiện thấy rất nhiều mảnh vỡ mới từ sự cố vỡ vệ tinh Yunhai 1-02 của Trung Quốc. Sự việc hoàn toàn đột ngột và khó hiểu.

Bởi Yunhai 1-02 là vệ tinh thời tiết được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo vào tháng 9 năm 2019, vì vậy, theo lẽ thường nó phải ở trạng thái hoạt động đủ tốt để không tự sụp đổ. Ngay sau vụ việc, phía Trung Quốc (cụ thể là Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc) không có bất cứ giải thích về nguyên nhân nào được công bố.

Truyền thông Trung Quốc khi đó bắt đầu đồn đoán trên Internet rằng số phận của Yunhai 1-02 có liên quan đến vệ tinh thời tiết NOAA-17 của Mỹ, đã bị vỡ 10 ngày trước đó và tạo ra các mảnh vỡ lớn va vào Yunhai 1-02.

BÍ ẨN SỐ PHẬN YUNHAI 1-02 ĐÃ SÁNG TỎ

Sự việc dần lắng lại cho đến ngày 15/8/2021 khi một nhà vật lý thiên văn của Viện Harvard-Smithsonian (Mỹ) vừa công bố rằng mình đã biết chuyện gì đã xảy ra với vệ tinh Yunhai 1-02 của Trung Quốc hồi tháng 3/2021.

Theo đó, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell nói rằng: Yunhai 1-02 đã va chạm với một đoạn tên lửa của Nga rồi vỡ tan tành trong không gian. “Đây có vẻ là vụ va chạm quỹ đạo lớn đầu tiên được xác nhận trong một thập kỷ”, Jonathan McDowell tuyên bố.

Thực chất, ông Jonathan McDowell không phải là người trực tiếp phát hiện ra nguyên nhân vụ việc. Thông tin mà ông có được nằm trong nhật ký dữ liệu của Lực lượng Không gian Mỹ, có đoạn “Vật thể 48078 (một mảnh của tên lửa Zenit-2 của Nga phóng vào năm 1996) hiện được liệt kê với một ghi chú đặc biệt: “Đã va chạm với vệ tinh”.

Jonathan McDowell đã phát hiện ra danh sách mới đó và chia sẻ nó trên Twitter. Ông đã xem lại dữ liệu quỹ đạo và phát hiện ra rằng tên lửa Zenit-2 của Nga và vệ tinh Yunhai 1-02 bay qua nhau trong vòng 1 km vào thời điểm và ngày chính xác mà Yunhai 1-02 bị vỡ.

Khoảng cách vượt qua đó nằm trong phạm vi sai số. Cả hai vật thể sẽ quay vòng quanh Trái Đất nhanh hơn rất nhiều tốc độ của một viên đạn, vì vậy bất kỳ sự tiếp xúc nào cũng sẽ dẫn đến một vụ nổ tạo ra các mảnh vỡ lớn.

Theo Jonathan McDowell, vụ va chạm đã tạo ra 37 mảnh vỡ đã biết, mặc dù ông nói thêm rằng có lẽ còn nhiều mảnh chưa được liệt kê.

Chuyên gia vật lý thiên văn này nói rằng vụ va chạm có vẻ không phải là “thảm khốc”, vì vệ tinh Yunhai 1-02 của Trung Quốc đã thực hiện một số điều chỉnh quỹ đạo kể từ đầu tháng 3/2021 – điều này cho thấy rằng Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát nó.

Sau tuyên bố của chuyên gia Jonathan McDowell, Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos không trả lời yêu cầu bình luận.

Vệ tinh Yunhai 1-02 đã được Trung Quốc phóng vào quỹ đạo từ sa mạc Gobi vào tháng 9 năm 2019 – sứ mệnh của nó là quan sát các đại dương, bầu khí quyển và không gian để ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai.

SỰ NGUY HIỂM CỦA MẢNH VỠ KHÔNG GIAN

Lần cuối cùng hai vật thể lớn quay quanh Trái Đất đâm vào nhau là vào năm 2009, khi một vệ tinh quân sự ‘hết hạn’ của Nga lao vào vệ tinh liên lạc Iridium của Mỹ đang hoạt động ở phía trên Siberia. Vụ va chạm đó, cùng với một vụ va chạm trước đó vào năm 2007, đã làm tăng khoảng 70% số lượng các mảnh vỡ lớn trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO).

Vào tháng 1/2020, kính viễn vọng không gian IRAS đã ‘chết’ của NASA và một vệ tinh cũ có tên GGSE-4 của Không quân Mỹ đã tránh được vụ va chạm khổng lồ ở độ cao 900 km, phía trên thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ). Trường hợp IRAS và GGSE-4 va chạm trực diện, có thể tạo ra gần 300.000 khối mảnh vỡ, đe dọa các tàu vũ trụ khác.

Cả hai ví dụ này cho thấy, không ai có thể điều khiển các vệ tinh để tránh va chạm nhau được.

Hiện tại, có khoảng 130 triệu mảnh rác vũ trụ xung quanh Trái Đất – từ vệ tinh bị bỏ rơi, mảnh tàu vũ trụ mà bị vỡ, và các nhiệm vụ khác. Mảnh vỡ đó di chuyển với tốc độ gần gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn, đủ nhanh để gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các thiết bị quan trọng, bất kể các mảnh đó nhỏ đến mức nào. Một cú va chạm tốc độ gấp 10 lần viên đạn như vậy có thể giết chết các phi hành gia trên tàu vũ trụ.

Mỗi khi các vật thể trên quỹ đạo va chạm, chúng có thể phát nổ thành những đám mây mới gồm các mảnh vụn tốc độ cao.

Các vụ va chạm với các mảnh vỡ không gian trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) – cách bề mặt Trái Đất khoảng 2.000 km – vẫn là mối quan tâm của các cơ quan vũ trụ trên toàn thế giới. Mật độ rác không gian ngày càng tăng khiến việc phóng khó khăn hơn và có thể khiến các vệ tinh mới không thể sử dụng được nếu chúng đâm vào thứ gì đó (vệ tinh thời tiết Yunhai 1-02 của Trung Quốc là một ví dụ).

Các nhà khoa học cũng lo ngại về hội chứng Kessler – một phản ứng dây chuyền trong đó các vụ va chạm tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn, do đó dễ xảy ra va chạm hơn.

Nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell nói: “Chúng ta đang đối mặt với một tương lai trong đó quỹ đạo Trái Đất tầm thấp sẽ chứng kiến ​​lượng mảnh vỡ tăng lên và nguy cơ va chạm cũng như số vụ va chạm nghiêm trọng tăng lên. Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp có thể đạt đến một giai đoạn mà có rất nhiều rác không gian đến nỗi nó trở nên quá khó để vệ tinh vận hành trong đó”.

Tuy nhiên, nhà vật lý thiên văn cho biết có thể tránh được viễn cảnh này nếu các vệ tinh lớn và vệ tinh đã hết hạn cũng như các giai đoạn tên lửa đã qua sử dụng được ‘dọn dẹp’ trong vài thập kỷ tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới