Sunday, May 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCOC: Hy vọng gì vào Campuchia?

COC: Hy vọng gì vào Campuchia?

Campuchia đã tiếp nhận tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 khi kết thúc chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 28/10/2021. Một lần nữa, câu chuyện COC lại được đặt ra một cách đầy hoài nghi, lo lắng.

Một hội nghị tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về COC

COC không chỉ là hy vọng, mà còn là khát vọng của Asean. Khát vọng vì với những gì đã diễn ra, hầu như các quốc gia đều thấy rằng, chỉ khi Asean đạt được với Trung Quốc một bộ quy tắc với các quy định mang tính ràng buộc về ứng xử trên Biển Đông, khu vực đầy bão tố này mới có cơ may yên ổn, bình lặng trở lại; các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền, lợi ích trên Biển Đông, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia mới không bị Trung Quốc gây hấn, chèn ép như trong nhiều năm qua.

Vậy mà nghiệt ngã thay, khát vọng vẫn chỉ là khát vọng. Thêm cả thiện chí, câu chuyện về COC, trải qua hơn 2 thập kỷ đàm phán tính từ thời điểm 1999, vẫn đứng yên tại chỗ; cái gọi là kết quả, chỉ là đã đạt được thỏa thuận về…Lời nói đầu – như trấn an của ông Vương Nghị – ngoại trưởng Trung Quốc.

Người ta từng đặt nhiều kỳ vọng năm 2020 COC sẽ đạt được một cái gì đáng kể về tiến độ với việc Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên Asean. Kỳ vọng vì Việt Nam có lẽ là quốc gia mong muốn COC nhiều nhất và quyết tâm nhất. Nhưng thật không may, họ lĩnh trọng trách đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 quần thảo toàn cầu, đàm phán một bộ quy tắc như COC chẳng thể thực hiện chỉ qua các cuộc họp trực tuyến. Thế nên, dù muốn, câu chuyện COC cũng chẳng nhích được là bao, dù Hà Nội đã rất nhiều nỗ lực.

Năm 2021, sứ mệnh gác lên vai Brunei. Vẫn còn nguyên đó các khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giả như không vướng dịch, thì với Brunei, ai cũng biết, không thể trông mong gì nhiều bởi tuy có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, nhưng đất nước ít dân, thừa dầu này, nhiều năm nay chỉ “im như thóc”. Mãi tháng 7/2020, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chính thức phản đối đòi hỏi vô pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đang ngồi trong chiếc ghế Chủ tịch luân phiên Asean, Brunei cũng chỉ “phá vỡ sự im lặng” rằng: Các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình…

Thêm người thêm tiếng, nhưng thực tình, đến thể hiện thái độ trước tuyên bố của Mỹ mà Quốc vương Hassanal Bolkiah, kiêm nhiệm ngoại trưởng Brunei, cũng chỉ nói đến thế, đủ hiểu ông đã tính toán chi ly thế nào để “hài hòa” với mọi đối tác. Một khi Brunei đạt được cái gọi là “hài hòa” đầy toan tính như trên, thì điều Asean có được chỉ là sự thất vọng!

Kết thúc năm 2021, Campuchia sẽ thế chỗ Brunei, ngồi vào ghế Chủ tịch luân phiên Asean, niềm tin về một bước tiến nào đó trong đàm phán COC gắn với vai trò của Phnompenh trong dư luận còn sa sút hơn nữa, bất luận ông Thủ tướng Hun Sen, khi tiếp nhận trọng trách, đã khẳng định Campuchia “sẽ dẫn đầu các nỗ lực chung của ASEAN để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta – đặc biệt là thúc đẩy quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN bình đẳng, mạnh mẽ và bao trùm”.

Sa sút bởi dư luận sao có thể vội quên năm 2012, chính Campuchia đã đứng về phía Trung Quốc và ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông khiến lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, ASEAN không đưa ra được một tuyên bố chung. Năm 2016, khi Tòa Trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, các ngoại trưởng ASEAN không ra tuyên bố chung cũng là do Campuchia phản đối việc đề cập tranh chấp ở Biển Đông. Sa sút bởi, hiện nay, với việc 90% đầu tư trực tiếp nước ngoài Campuchia tiếp nhận là từ Trung Quốc, coi như Phnompenh đã gắn chặt “sinh mạng chính trị” của họ vào Bắc Kinh vậy.

Thế nên, một khi Campuchia là Chủ tịch luân phiên Asean, câu chuyện COC, thay vì hy vọng, chỉ có thể là vô vọng mà thôi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới