Monday, May 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTranh cãi pháp lý trong vụ Mỹ bắn hạ khí cầu TQ

Tranh cãi pháp lý trong vụ Mỹ bắn hạ khí cầu TQ

Mỹ tuyên bố có quyền bắn hạ khí cầu Trung Quốc tiến vào không phận trái phép, trong khi Bắc Kinh cho rằng đây là thiết bị khí tượng nên không cần xin phép.

Tổng thống Joe Biden ngày 4/2 ra lệnh cho không quân bắn rơi “khí cầu do thám” hoạt động trên không phận Mỹ suốt 7 ngày. Bắc Kinh tuyên bố khí cầu này là thiết bị quan trắc khí tượng dân sự, trong khi Lầu Năm Góc đánh giá đây là thiết bị do thám đang tìm cách giám sát các căn cứ quân sự của Washington.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã “khăng khăng sử dụng vũ lực, phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”, nhưng không đề cập đến phương diện luật pháp quốc tế như một số sự cố trước đây giữa hai nước. Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong nói Mỹ “dùng vũ lực quân sự tấn công thiết bị bay dân sự”, đi ngược lại “tinh thần luật pháp quốc tế và thực hành quốc tế”, song không nói rõ hành động của Mỹ vi phạm điều luật quốc tế nào.
Julian Ku, chuyên gia về Trung Quốc và luật pháp quốc tế tại Đại học Hofstra ở New York, nhận định lập luận này cho thấy ngay cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không cho rằng quyết định bắn hạ khí cầu của Mỹ là hành động trái với luật pháp quốc tế. Trong nhiều sự cố ngoại giao trước đây, Trung Quốc thường xuyên viện dẫn “quy định của luật pháp quốc tế” để công kích Mỹ.

Khi Mỹ áp lệnh hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương đầu năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Washington “đi ngược lại luật pháp quốc tế lẫn thông lệ cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp ngang ngược vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Năm 2021, sau khi quốc hội Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt thương mại liên quan vấn đề Tân Cương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản pháo bằng lập luận phía Mỹ “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cùng thông lệ cơ bản trong quan hệ quốc tế”.

“Nếu xuất hiện hành động mà Bắc Kinh cho là vi phạm luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ nói thẳng, vậy nên cách họ tránh đề cập phương diện này trong các tuyên bố liên quan đến khí cầu là chi tiết đáng chú ý”, Julian Ku đánh giá.

Chuyên gia luật của Hofstra cho rằng nếu tung ra những chỉ trích gay gắt mà không dựa trên luật pháp quốc tế, Trung Quốc có thể rơi vào tình huống khó xử nếu Mỹ trong tương lai triển khai khí cầu hoặc máy bay do thám không người lái vào không phận nước này.

“Nếu Trung Quốc đẩy vấn đề đi quá xa, họ sẽ tự làm khó mình về mặt pháp lý trong tương lai”, ông Ku nhận định.
Ở chiều ngược lại, giới chức Mỹ thời gian qua tuyên bố phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi để khí cầu xâm phạm không phận nước khác.

Trả lời họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc vào ngày 3/2 ở Washington, Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng khí cầu Trung Quốc đã “xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Mỹ, vi phạm luật pháp quốc tế và rõ ràng không thể chấp nhận được”. Ông nói mọi quốc gia “bị xâm phạm không phận” đều sẽ phản ứng như Mỹ, đồng thời nhận định Trung Quốc sẽ phản ứng tương tự nếu gặp trường hợp này.

Donald Rothwell, chuyên gia luật pháp quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia, các công ước quốc tế quy định mọi quốc gia đều có “chủ quyền toàn diện với không phận trên lãnh thổ của mình”. Điều này đồng nghĩa các quốc gia có quyền kiểm soát mọi phương tiện bay từ bên ngoài tiến vào không phận, kể cả khí cầu.

Một trong những khung pháp lý về quản lý không phận được giới chuyên gia đề cập là Công ước Chicago năm 1944 về Hàng không Dân dụng Quốc tế và các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), trong đó Trung Quốc là thành viên.

Các nước chưa đạt được đồng thuận về độ cao của không phận, nhưng phần lớn đều không coi tầng ngoài khí quyển, vùng hoạt động của vệ tinh, thuộc không phận của mình. Khí cầu bay rất cao, nhưng không thể vươn tới tầng ngoài khí quyển, nên nó vẫn vi phạm không phận khi tiến vào vùng trời một quốc gia mà không xin phép.

Trên phương diện pháp lý, khí cầu vẫn được coi là phương tiện bay và nó chịu sự điều chỉnh của các quy định áp dụng với máy bay. ICAO quy định các phương tiện bay quân sự khi hoạt động trên không phận nước khác phải có sự cho phép của nước đó. Theo luật pháp Mỹ, quyền cho phép phương tiện bay nước ngoài hoạt động trong không phận thuộc về Ngoại trưởng.

Khí cầu khí tượng là một ngoại lệ. Những quả bóng được thả lên trời chỉ phục vụ mục đích khí tượng không cần phải tuân theo các quy định trên. Đây dường như là căn cứ để Trung Quốc tuyên bố rằng “khí cầu khí tượng” phục vụ mục đích dân sự của họ có quyền hoạt động trên bầu trời Mỹ mà không cần xin phép.

Tuy nhiên, khí cầu khí tượng của Mỹ thường chỉ có chiều cao tối đa 6 m, trong khi khí cầu Trung Quốc có độ cao 60 m và mang theo khối thiết bị nặng khoảng một tấn, theo quân đội Mỹ.

Chuyên gia Rothwell cũng cho hay khí cầu khí tượng phải phụ thuộc hoàn toàn vào hướng gió, trong khi khí cầu Trung Quốc có “khả năng tự điều khiển hạn chế”, theo lời của bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Điều này khiến tuyên bố của Mỹ rằng khí cầu là “thiết bị do thám” có cơ sở hơn, theo Rothwell. “Khí cầu đó đã xuất hiện gần những cơ sở quốc phòng nhạy cảm của Mỹ ở Montana khá lâu”, ông nói.

“Nếu một ‘khí cầu khí tượng’ có kích thước lớn như vậy bay lạc, Trung Quốc phải cảnh báo Mỹ rằng thiết bị của họ đã đi vào không phận nước này theo đúng thông lệ quốc tế. Khi khí cầu di chuyển ở độ cao dưới 18.000 m, thiết bị này phải bật đèn vào ban đêm theo đúng tiêu chuẩn an toàn quốc tế”, Jill Goldenziel, chuyên gia Trường Thông tin và Không gian Mạng thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, lưu ý.

Goldenziel cho hay quân đội Mỹ thường xuyên sử dụng “khí cầu tầng bình lưu” (HAB) trong các cuộc tập trận để giám sát tình hình thực địa. Mỗi lần sử dụng HAB, Mỹ đều cần đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế và sự cho phép của những quốc gia liên quan. Washington đã nhiều lần khẳng định Bắc Kinh không liên hệ xin phép khi khí cầu của họ đi vào không phận Mỹ.

Theo chuyên gia này, nếu chứng minh được khí cầu là thiết bị do thám hoạt động trong không phận mà không xin phép, Mỹ hoàn toàn có quyền bắn hạ mà không vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Điều này sẽ phụ thuộc vào kết quả phân tích của Mỹ đối với mảnh vỡ khí cầu mà họ thu thập được trên biển, nhằm tìm ra mục đích và khả năng của nó.

Goldenziel cho rằng quyết định bắn hạ khí cầu sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ – Trung, nhưng hành động này phát đi thông điệp cho thấy Washington “không ngần ngại bảo vệ không phận”. “Mỹ cần theo đuổi các căn cứ theo luật pháp quốc tế, đồng thời đảm bảo rằng những vụ khí cầu xâm nhập trong tương lai sẽ sớm bị ngăn chặn hoặc giảm thiểu hậu quả”, chuyên gia này nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới