Wednesday, May 1, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ sắm nhiều tàu cho các tour du lịch Biển Đông

TQ sắm nhiều tàu cho các tour du lịch Biển Đông

Trung Quốc có kế hoạch mua 5-8 tàu du lịch loại lớn để tổ chức các tour du lịch đến Biển Đông, RIA dẫn tin từ báo China Daily.

Theo đó, công ty Sanya International Cruise Development Co Ltd, một liên doanh giữa các công ty COSCO Shipping, China National Travel Service Group Corp và China Communications Construction Co Ltd sẽ bỏ tiền ra mua tàu.

Theo kế hoạch, tàu du lịch sẽ được mua dần trong 5 năm, trong khi bên bán chưa được tiết lộ danh tính. Ngoài ra, công ty liên doanh này cũng đang có kế hoạch xây dựng bốn bến tàu trên đảo Phượng Hoàng, thuộc thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam), theo RIA Novosti.

Được biết, công ty China Shipbuilding Corp (CSSC) ở Thượng Hải đã thành lập một liên doanh với Fincantieri SpA của Ý. Theo thỏa thuận, công ty Thượng Hải sẽ đóng 5 tàu ​​biển, và sẽ bắt tay vào việc từ đầu năm 2017. Kế hoạch này sẽ được hoàn thành vào năm 2021. Chi phí đóng mỗi tàu du lịch với sức chở hơn 5 nghìn hành khách sẽ vào khoảng 5 tỷ nhân dân tệ (hơn 740 triệu USD).

Ngoài ra, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020 sẽ bắt đầu một hành trình du lịch thường xuyên đến các đảo của quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông.

Ngoài ra, Hải Nam cũng đang có kế hoạch khởi động một tuyến du lịch Biển Đông với nhiều điểm dừng, với mục đích, như đã được công bố, là nhằm phát triển ngành công nghiệp du lịch của tỉnh này. Chính quyền tỉnh cũng đang có kế hoạch tối ưu hóa các tuyến đường đến các đảo tranh chấp trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 12/7, Tòa án Quốc tế, được thành lập dưới sự giám sát của Tòa trọng tài tại The Hague, đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không có “chủ quyền lịch sử” đối với các lãnh thổ hiện đang bị tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng nước này xem phán quyết của Tòa trọng tài The Hague về Biển Đông là không hợp lệ, Bắc Kinh không chấp nhận và không thi hành.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn thẳng thừng nói rằng bất chấp phán quyết của tòa án, “các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, quyền hàng hải và lợi ích của đất nước”. Bắc Kinh cũng ngang nhiên tuyên bố về quyền khu vực xác định phòng không của mình tại Biển Đông.

Trong vài thập kỷ qua, Bắc Kinh tranh chấp với một số nước trong khu vực về chủ quyền lãnh thổ của một số đảo ở vùng thềm lục địa ở Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí vô cùng lớn. Khu vực tranh chấp là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Reef). Các tranh chấp ở mức độ khác nhau liên quan đến Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.

Nhìn chung, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không thể hiện thiện chí trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông, thường sử dụng vị thế nước lớn để lấn ép các quốc gia láng giềng.

Nga khẳng định không tham gia và không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới