Wednesday, October 9, 2024
Trang chủBiển nóngNhật Bản tung mồi nhử TQ

Nhật Bản tung mồi nhử TQ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liên tiếp bày tỏ thái độ ủng hộ sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc nhưng cũng “gài” thêm nhiều điều kiện.

Động thái lạ

Thời gian gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liên tiếp bày tỏ thái độ ủng hộ sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc.

Có ý kiến cho rằng Nhật Bản thay đổi thái độ nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc và nắm bắt cơ hội hợp tác phát triển kinh tế do sáng kiến “Vành đai con đường” mang lại.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ là kế sách đối phó chiến thuật của Tokyo mà thôi.

Giới phân tích Trung Quốc thừa nhận Nhật Bản tham gia sáng kiến “Vành đai con đường” như chuyện không tưởng, nhất là điều này lại do chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói ra thì lại càng là điều không thể tin nổi.

Mới đây, các nhà doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc và Nhật Bản tham dự “Hội nghị cấp cao CEO Trung – Nhật” tại Tokyo. Thủ tướng Shinzo Abe đã xuất hiện tại hội nghị và phát biểu, trong đó bất ngờ ca ngợi sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ hai bên Trung – Nhật có thể “dồn sức hợp tác”.

Nội dung cơ bản trong bài phát biểu của ông Shinzo Abe là hợp tác Trung – Nhật sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á, điều này không chỉ đóng góp cho sự phát triển của hai nước Trung – Nhật mà còn là sự đóng góp cho sự phồn vinh của nhân dân châu Á.

Cũng theo ông Abe, quan hệ kinh tế cùng có lợi Trung – Nhật không chỉ hạn chế giữa hai quốc gia, mà hai nước Trung – Nhật cùng tham gia phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là sự đóng góp thiết thực cho cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ thiện ý đối với sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc. Hồi tháng 6vừa qua, trong bài phát biểu tại một hội nghị quốc tế, ông Abe từng bày tỏ sáng kiến “Vành đai con đường” là ý tưởng có tiềm năng kết nối phía Tây Thái Bình Dương với phía Đông Thái Bình Dương, cũng như các khu vực đa dạng trong đó với nhau.

Điều này dường như đã bộc lộ thái độ của Tokyo là sẽ tích cực tiến hành hợp tác trong khuôn khổ “Vành đai con đường”, động thái được đánh giá là “tung hỏa mù” khiến giới phân tích không thể hiểu được động cơ thực sự đằng sau tuyên bố của ông Abe.

Nhat Ban tung moi nhu Trung Quoc
Nhật Bản thực sự muốn hợp tác trong khuôn khổ “Vành đai con đường”?

Giới phân tích Trung Quốc đã tỏ ra nghi ngờ về thái độ “tích cực” của Thủ tướng Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh tới chữ “nhưng” theo sau chữ “hợp tác” của ông Abe.

Trong bài phát biểu hồi tháng 6/2017, trước từ “hợp tác”, ông Shinzo Abe đã thêm vào cụm từ “nếu điều kiện chín muồi” một cách có chủ ý để hạn chế “hợp tác”, đồng thời hi vọng “Vành đai con đường” sẽ hài hòa với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tự do và công bằng.

Phía Trung Quốc suy luận rằng, nếu thực sự tiến hành hợp tác theo khuôn khổ “Vành đai con đường”, ông Abe cũng sẽ chèn vào rất nhiều “hàng lậu”.

Tương tự như vậy, trong phát biểu gần đây nhất, ông Abe đã đưa tiền đề trong hợp tác với “Vành đai con đường”, tức cần phải làm cho Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trở thành khu vực tự do mở cửa, đồng thời bảo đảm tính công bằng và tính minh bạch là không thể thiếu.

Giới phân tích Trung Quốc đánh giá nội dung ông Abe muốn nhấn mạnh là tự do, mở cửa của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chứ không phải là “hợp tác” với “Vành đai con đường”.

Trung Quốc gặp khó

Trong khi giới phân tích Trung Quốc tiếp tục tỏ ra tự tin rằng sáng kiến “Vành đai con đường” ngày càng được nhiều nước hưởng ứng thì thực tế lại đang chứng minh điều ngược lại, nhất là khi cả Pakistan, Nepal lẫn Myanmar có dấu hiệu rút khỏi các dự án của Trung Quốc.

Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, 3 nước này đã xác nhận hủy bỏ hoặc đứng bên lề đối với 3 dự án nhà máy thủy điện lớn do các công ty Trung Quốc đề xuất. Việc từ bỏ 3 dự án với tổng trị giá gần 20 tỷ USD này được coi là một đòn giáng mạnh vào sáng kiến “Vành đai con đường”.

Nhat Ban tung moi nhu Trung Quoc
Một binh sĩ Pakistan đứng gác tại cảng biển Gwadar của Pakistan do Trung Quốc đầu tư xây dựng

Phía Pakistan đã viện dẫn những điều khoản tài chính cứng rắn do Trung Quốc áp đặt là nguyên nhân của việc hủy bỏ dự án Đập Diamer Bhasha trị giá 14 tỷ USD.

Theo Pakistan, công ty của Trung Quốc liên quan đến dự án đã áp đặt rất nhiều điều kiện tài chính gây khó dễ, trong đó có cả việc cam kết xây thêm một đập mới cùng với đập đang triển khai như một sự bảo đảm về tín dụng. Điều này đi ngược lại lợi ích của Pakistan.

Gần đây, Phó Thủ tướng Nepal Kamal Thama cũng thông báo quyết định hủy hợp đồng dự án nhà máy thủy điện Budhi Gandaki trị giá 2,5 tỷ USD, đồng thời cáo buộc công ty của Trung Quốc về những hành vi tài chính trái phép.

Tháng 11 vừa qua, Myanmar – từng đình chỉ một dự án xây đập do Trung Quốc bảo trợ trị giá 3,6 tỷ USD cách đây 3 năm – tuyên bố không còn quan tâm tới các dự án lớn về nhà máy thủy điện nữa.

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng nước này nói rằng các dự án nhà máy thủy điện lớn không còn là ưu tiên để giải quyết vấn đề thiếu điện, thay vào đó, Myanmar đang hướng đến việc xây dựng các đập nhỏ hơn như là một giải pháp thay thế.

Nhat Ban tung moi nhu Trung Quoc
Đập thủy điện là một trong những lĩnh vực “mở đường” cho “Vành đai con đường” của Trung Quốc

Những quyết định từ các nước láng giềng của Trung Quốc có thể đồng nghĩa với sự tổn thất hình ảnh nghiêm trọng đối với sáng kiến “Vành đai con đường” bởi sáng kiến gồm nhiều kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, trong đó gồm cả ở các nước phát triển như Mỹ và một số nước ở châu Âu.

Đài TNHK dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng mặc dù có những lý do về kinh tế và chính trị khác nhau đằng sau 3 quyết định nói trên, song có một nhận thức đang gia tăng trong các nước nghèo rằng các đề xuất xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Trung Quốc có mức giá “cắt cổ”.

Tuy vậy, khi được hỏi về những quyết định trên của Pakistan và Nepal, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố không hề những thông tin này.

Giới phân tích cho rằng bản thân Bắc Kinh cũng đang cân nhắc lại, dần nghiêng về việc hủy những dự án đem lại ít lợi nhuận đầu tư. Trung Quốc đang nhắm tới khu vực rộng lớn của châu Âu và châu Mỹ, coi đó là những thị trường tiềm năng.

RELATED ARTICLES

Tin mới