Saturday, May 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBản tin Biển Đông ngày 09/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 09/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 09/10/2018.

Ngày 5/10, trang Policy Forum đăng bài viết đề xuất ý tưởng, trong khi đàm phán về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang đi vào bế tắc, việc tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương có thể giúp mang lại một vùng biển bình yên hơn. Bài viết cho rằng với các công cụ và cơ chế pháp lý hiện nay, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông ngày 12/7/2016, hay quá trình đàm phán kéo dài cả thập kỷ để có được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) rồi hiện nay là đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay vẫn đang bế tắc. Bên cạnh các yêu sách về chủ quyền, lãnh thổ, Biển Đông còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khác, cụ thể là về biến đổi khí hậu và đại dương. Do tình trạng nước biển ấm lên, quá trình axit hóa và đánh cá quá mức, hệ sinh thái san hô ở Biển Đông đang bị suy giảm nhanh chóng. Biển Đông sẽ không thể tránh khỏi việc trở thành điểm nóng về biến đổi khí hậu. Nếu tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc đều cam kết đạt được mục tiêu chính sách khí hậu quốc tế, sẽ có cơ hội có được một công thức và chương trình hành động về chính sách khí hậu chung của khu vực về Biển Đông. Thực tế, từ năm 2007, các Hội nghị cấp cao của ASEAN đã nhiều lần xác định biến đổi khí hậu là mối quan tâm chính có thể được giải quyết thông qua hợp tác khu vực. Với sự nổi lên của Trung Quốc như một nhà lãnh đạo trên diễn đàn biến đổi khí hậu toàn cầu, ASEAN có cơ hội để xây dựng đồng thuận và đưa ra thỏa thuận hợp tác khu vực với nước láng giềng lớn nhất này thông qua chiến lược Con đường Đại dương. Theo bài viết, cách tiếp cận từ dưới lên này sẽ phù hợp với phương cách ngoại giao của ASEAN về đề cao chủ quyền quốc gia, không can thiệp, và đồng thuận. Bằng cách tiếp cận theo chiến lược Con đường Đại dương, ASEAN có thể giúp định hình lại khu vực Biển Đông từ khu vực tranh chấp thành xây dựng đồng thuận và hợp tác.

ASEAN, Trung Quốc lên kế hoạch tập trận chung trên biển

Ngày 8/10, trang Benar News đưa tin, giữa lúc căng thẳng ở Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã lên kế hoạch tập trận chung trên biển. Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 22-29/10 tại thành phố Trạm Giang của Trung Quốc. Đề xuất này được đưa ra lần đầu vào tháng 2 năm nay. Đến tháng 8/2018, tại Singapore, Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng đầu tiên trên máy tính, liên quan đến các kịch bản hợp tác về tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp xảy ra va chạm tàu trên biển.

Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng để đối đầu với Trung Quốc

Ngày 8/10, tạp chí Foreign Policy đăng bài viết cho biết Mỹ đang thay đổi trọng tâm quân sự từ chống khủng bố sang cạnh tranh với các đối tác ngang hàng, ví dụ như Trung Quốc, và tăng chi tiêu quốc phòng nhằm đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh. Sự thay đổi này là do chính quyền Tổng thống Trump gia tăng đối đầu với Trung Quốc lên mức độ mới. Phát biểu trước các phóng viên tại Lầu Năm góc tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, “đây là sự bắt đầu của việc tái thiết Bộ Quốc phòng để chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn”. Việc tăng ngân sách cho năm tài khóa 2019 được coi là một chiến thắng cho cả quân đội Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump. Điều này không chỉ thể hiện ở con số gần 700 tỷ USD mà đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận về ngân sách hàng năm cho Bộ Quốc phòng đúng thời hạn, cho phép Lầu Năm góc bắt đầu năm tài khóa vào ngày 1/10 với đủ số tiền cần thiết trong 12 tháng tới. Theo các quan chức cấp cao của Lầu Năm góc, khoản tiền bổ sung sẽ được đầu tư xây dựng quân đội cần thiết để chuẩn bị cho một cuộc xung đột, cụ thể là với Trung Quốc. Chuyên gia về Lầu Năm góc David Norquist giải thích rằng các loại xung đột mà quân đội Mỹ có thể sẽ phải đối mặt ở Thái Bình Dương rất khác so với những xung đột đã từng thấy ở Trung Đông trong những năm vừa qua, và do đó, cần những loại lực lượng rất khác, ví dụ như máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình, để có thể qua mặt được hệ thống chống máy bay tiên tiến của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới