Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngQuá trình hợp tác khai thác chung dầu khí giữa TQ và...

Quá trình hợp tác khai thác chung dầu khí giữa TQ và Philippines ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Philippines đã triển khai nhiều cuộc tham vấn song phương về vấn đề khai thác chung tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, song chưa đạt được kết quả khả quan. Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), Trung Quốc và Philippines đã thiết lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông, trong đó thúc đẩy hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của hai nước.

Tham vấn song phương lần thứ nhất giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông

Biển Đông là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn trên thế giới

Biển Đông là biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2. Tại đây, dầu khí là tài nguyên khoáng sản có vị thế quan trọng hàng đầu. Theo Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán Biển Đông nắm giữ trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đã được chứng minh và ở dạng tiềm năng. Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên. Chỉ tính tại các bồn địa Tăng Mẫu, Sabah, Vạn An (Tư Chính) đã có trữ lượng gần 20 tỷ tấn dầu thô, là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới chưa được khai thác. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên băng cháy (methane hydrate), đây là nguồn năng lượng sạch còn quý hơn dầu mỏ và thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu chiến lược tìm cách độc chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt ở Biển Đông. Cho đến nay, Trung Quốc đã khai thác dầu tại nhiều khu vực ven bờ với diện tích tổng diện tích khoảng 160.000 km² tại Biển Đông, vùng biển có diện tích hơn 3 triệu km². Với sự phát triển của các phương tiện công nghệ cho phép khoan dầu tại biển sâu và áp lực của nền kinh tế khát năng lượng, Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển các giàn khoan ngoài khơi xa.

Trung Quốc tích cực triển khai thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông

Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, Biển Đông sẽ là khu vực chính trong các vùng mà Trung Quốc dự tính đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác khí đốt ở ngoài khơi. Mục tiêu của Bắc Kinh là vào năm 2015, tổng sản lượng khai thác khí đốt sẽ lên đến 176 tỷ m3.

Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc (MLR), đầu tư khai thác dầu khí của nước này trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng 12,6% so với giai đoạn 2007-2011. Sản lượng dầu thô của Trung Quốc đạt 181,21 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2016, trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên đạt 121,1 tỷ m3. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn. Viện Nghiên cứu Công nghệ và Kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc (CNPC) ước tính sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ đã vượt quá 65% trong năm 2016.

Theo bản kế hoạch 5 năm do Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) công bố hồi tháng 1/2017, Trung Quốc sẽ triển khai các dự án khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên tại thung lũng Thẩm Thúy, thung lũng Ordos và Thúy Hưng (Qúy Châu); khẩn trương triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực Trường Ninh và Ngụy Viễn (Tứ Xuân), Phù Lăng (Trùng Khánh), Chiêu Thông (Vân Nam), Diên An (Thiểm Tây) và Đồng Nhân (Quý Châu), đồng thời xúc tiến triển khai các dự án khai thác dầu thô, khí thiên nhiên và băng phiến trên các vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu thô trong nước lên 200 triệu tấn vào trước năm 2020, trong khi năng lực cung cấp khí đốt tự nhiên sẽ vượt 360 tỷ m3. Trong khi đó, CNOOC cũng lên kế hoạch đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 32 tỷ USD) và khoan 800 giếng dầu tại Biển Đông, nhằm thực hiện mục tiêu đạt 500 triệu tấn dầu đến năm 2020.

Đến năm 2020, Bắc Kinh sẽ từng bước nâng cao sản lượng dầu khí quốc nội, tăng cường thăm dò khai thác dầu khí khu vực biển và cận biển, khai thác dầu khí vùng biển sâu, tự lực chế tạo thiết bị, nâng cao sản lượng dầu khí ngoài khơi. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục khai thác dầu khí trên đất liền và ngoài biển, củng cố giếng dầu cũ, khai thác giếng dầu mới, đặc biệt là giếng dầu ngoài khơi. Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh khai thác dầu khí ngoài khơi, chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tự khai thác và hợp tác với nước ngoài.

Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Philippines

Philippines là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu. Trong năm 2016, Philippines đã nhập 78,77 triệu thùng dầu thô, trong khi nước này chỉ sản xuất được 135.000 thùng dầu thô. Để giảm bớt áp lực nhập khẩu năng lượng và loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào thị trường năng lượng quốc tế, chính phủ Philippines đã đẩy mạnh thăm dò tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, đồng thời tích cực tìm kiếm sự hợp tác khai thác dầu khí với phương Tây để cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Philippines luôn coi vùng Tây Bắc Palawan là khu vực thăm dò và khai thác ngoài khơi then chốt và đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho khu vực này, nhưng kết quả thực tế không như mong đợi với rất ít trường hợp thành công, cụ thể: Tại mỏ khí Malapaya cách 80 km về phía Tây Bắc đảo Palawan thuộc khu vực SC38, do Công ty thăm dò Shell Petroleum Philippines, Công ty Chevron Malapaya và Tổng công ty dầu khí quốc gia Philippines cùng khai thác. Mỏ khí này có trữ lượng khí tiềm năng là 76,5 tỷ mét khối (tương đương khoảng 550 triệu tấn dầu ) và chính thức được khai thác vào tháng 10 năm 2001 với thời gian khai thác là 25 năm. Đây là dự án khai thác khí đốt thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử của Philippines. Theo kế hoạch, mỏ khí Malapaya dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2025 do vậy, Philippines đang gấp rút triển khai việc tìm kiếm các mỏ dầu và khí đốt mới. Ngoài ra, năm 2002, chính phủ Philippines đã công khai kêu gọi các nhà thầu nước ngoài tham gia vào các lô dầu khí được chia nhỏ ở Bãi Cỏ Rong, trong đó có lô PRC-1 là một lô nhỏ thuộc Bãi Cỏ Rong; sau đó, chính phủ Philippines lại tiếp tục chia các lô đã chia kể trên thành những lô nhỏ hơn để mời nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia vào, như lô GSEC-101.

Trung Quốc và Philippines hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông

Trung Quốc và Philippines đều đưa ra yêu sách chủ yếu có các tranh chấp liên quan đến quyền khai thác tài nguyên dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong và lưu vực Tây Bắc Palawan. Trong số đó, khu vực Bãi Cỏ Rong nằm hoàn toàn trong phạm vi “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Năm 2004, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Arroyo, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc và Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines đã ký Hiệp định về “Công tác hợp tác địa chấn trên biển ở Biển Đông”, đồng ý hợp tác trước khi thăm dò đối với các nguồn dầu khí gần khu vực Bãi Cỏ Rong. Sau đó, Việt Nam tham gia thỏa thuận, và tháng 3 năm 2005 tại Manila, các công ty dầu mỏ của ba nước đã ký kết “Thoả thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực Thoả thuận tại Biển Đông”. Theo đó, thời hạn của thoả thuận là 3 năm và khu vực thoả thuận hợp tác là lô GSEC- 101. Ba nước cũng đã triển khai một loạt các hợp tác thực tế về hàng hải khác sau khi kí kết Thoả thuận trên. Cuối năm 2008, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận hết hạn và ba bên cần đưa ra phương án hợp tác ba năm giai đoạn hai. Tuy nhiên, Quốc hội Philippines đã từ chối phê duyệt giai đoạn hai của dự án với lý do “Khu vực Bãi Cỏ Rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và việc khai thác tài nguyên biển trong phạm vi khu vực này liên quan đến các quyền chủ quyền của Philippines”. Sau đó, Quốc hội Philippines đã thông qua Luật đường cơ sở vào năm 2009, tuyên bố rằng Manila có “chủ quyền” tại vùng biển phía Tây – khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại quần đảo Trường Sa và xác định rõ phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế mà nước này tuyên bố.

Sau khi Thủ tướng Aquino III lên nắm quyền, chính phủ Philippines về cơ bản giữ vững lập trường không khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông, khuyến khích các công ty dầu mỏ trong nước tự tiến hành khai thác ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Tháng 6 năm 2011, Bộ Năng lượng Philippines đã khởi động vòng thứ tư của các dự án ký kết năng lượng, cho phép các công ty nước ngoài thăm dò lô thứ ba và thứ tư trong tổng số 15 lô thuộc phạm vi đường đứt đoạn. Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các hoạt động đấu thầu của Philippines không nhận được sự hưởng ứng của các công ty dầu khí lớn của phương Tây. Vì thế, vào năm 2012, Công ty dầu mỏ Philippines Ferrex đã bắt đầu liên hệ với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để thảo luận về vấn đề khai thác chung tại lô SC72. Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila trước đó diễn ra tốt đẹp, nhưng vào phút cuối cùng trước khi đi vào ký kết thỏa thuận hợp tác, chính phủ Philippines bất ngờ yêu cầu thêm vào nội dung văn bản thoả thuận cái gọi là “thỏa thuận mở rộng”, đồng thời yêu cầu xác định vai trò của các bên phải dựa trên phương thức của chủ sở hữu và đối tác khai thác chung. Điều này tương đương với việc Manila yêu cầu Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Philippines đối với lô SC72, dẫn đến các cuộc đàm phán về vấn đề này lâm vào bế tắc.

Sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, chính sách của Philippines đối với Trung Quốc đã được điều chỉnh mạnh mẽ. Tháng 10 năm 2016, Tổng thống Philippines Duterte lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhắc lại rằng các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông không phải là toàn bộ quan hệ song phương giữa hai nước. Do đó, các tranh chấp trên Biển Đông phải được xử lý một cách thích hợp và các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền nên được giải quyết một cách hòa bình giữa các nước có liên quan trực tiếp thông qua thương lượng và đàm phán hoà bình. Đối với việc khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, Tổng thống Duterte đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác các nguồn tài nguyên trên biển. Tháng 7 năm 2017, trong báo cáo phát biểu về tình hình trong nước, Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh việc Philippines mong muốn thăm dò và khai thác chung dầu khí với Trung Quốc và gợi ý rằng hai bên có thể hình thành một dự án liên doanh. Tháng 9 năm 2017, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Yafenso Gus phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 35 rằng Philippines và Trung Quốc sẽ cùng nhau khai thác tài nguyên dầu khí trong lô SC57 nằm ở bờ biển phía Tây Bắc của Vịnh Palawan và kế hoạch hợp tác đã được xây dựng hoàn chỉnh. Tháng 8 năm 2018, Ngoại trưởng Philippines Kayatano cho biết Manila đã thành lập một nhóm công tác kỹ thuật đặc biệt (TWG) để thăm dò chung tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và mong sớm ký một thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

Điểm lại ba lần tham vấn giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông

Cuộc tham vấn lần đầu diễn ra tại Quý Châu (Trung Quốc) vào tháng 5/2015, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago L. Sta. Romana chủ trì. Tại vòng tham vấn này, hai bên đã đánh giá, trao đổi quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải và việc thiết lập các nhóm công tác kỹ thuật liên quan, nhất trí các vòng tham vấn tiếp theo sẽ diễn ra luân phiên ở Trung Quốc và Philippines, trong khoảng thời gian 6 tháng một lần. Đại sứ Santa Romana cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông song chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Trung Quốc và Philippines nhất trí sẽ tổ chức các phiên tham với tần suất 2 lần/năm nhằm “tạo cơ hội để trao đổi quan điểm” về Biển Đông.

Cuộc tham vấn thứ hai ở Manila vào tháng 2/2018, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại vòng tham vấn, hai bên đã trao đổi các sáng kiến chung liên quan vấn đề Biển Đông và đạt được thỏa thuận về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Giới truyền thông cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực.

Cuộc tham vấn thứ ba ở Bắc Kinh vào ngày 18/10. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu, Trưởng đoàn Philippines là Thứ trưởng Ngoại giao về Chính sách Enrique A. Manalo. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề hiện tại và các nội dung cùng quan tâm, tái khẳng định cam kết của hai bên về hợp tác và tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng cường tin cậy lẫn nhau. Tại cuộc họp, quan chức Trung Quốc và Philippines nhấn mạnh việc quản lý hợp lý các tranh chấp ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tự do thương mại và các biện pháp sử dụng biển hòa bình khác, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, thực hiện tự kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Philippines cũng trao đổi quan điểm về các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mang ý nghĩa chính trị, an ninh; vấn đề tìm kiếm và cứu nạn trên biển, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, nghề cá.

RELATED ARTICLES

Tin mới