Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới”

Về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới”

Mỹ đã công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới”. Chiến lược này xem ra tưởng như nhẹ nhàng hơn đối với Trung Quốc, nhưng không phải thế, theo cách nói của người Việt là Mỹ đang dùng “lạt mềm” để “buộc chặt”.

Cụ thể, hôm 11/2, Nhà Trắng công bố Tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mục tiêu của Mỹ nêu trong Chiến lược là: Không nhằm thay đổi Trung Quốc, mà nhằm định hình môi trường chiến lược chung quanh nước này. Đây là thể hiện sự nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường hợp tác an ninh và các quan hệ khác với các đồng minh.

Được như vậy Mỹ sẽ không phải chịu cảnh một mình đối phó với ảnh hưởng và tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Mỹ kêu gọi “xây dựng ảnh hưởng cân bằng” có lợi cho Mỹ và các đồng minh, đối tác; đồng thời quản lý cạnh tranh của nước này với Trung Quốc một cách có trách nhiệm.

Tưởng cũng nên nhắc một chút về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (cũ) do Tổng thống Donald Trump khởi xướng từ năm 2017. Với việc ra đời Chiến lược, khu vực này sẽ trở thành một sân chơi, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, tự do và cởi mở, không bị lệ thuộc vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Chiến lược cũng sẽ tạo thêm động lực, nguồn lực tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh của các nước trong khu vực, đảm bảo cho họ có cơ hội tranh thủ được những yếu tố phù hợp, như: vốn, công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, đối phó với các thách thức an ninh chung.

Còn Chiến lược mới của Biden? Vẫn chỉ là một chiến lược chung về một khu vực rộng lớn. Cho đến nay Washington chưa hề công bố tài liệu chiến lược riêng về chính sách Mỹ ứng phó Trung Quốc. Bình cũ và rượu cũng cũ, nghĩa là, Mỹ vẫn duy trì những chính sách cơ bản của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc.

Do chỗ chậm trễ trong việc xác định tầm nhìn chiến lược về Trung Quốc cho nên chính quyền Tổng thống Biden bị chỉ trích nặng nề. Mặc dù ông luôn khẳng định, Trung Quốc là một trong những thách thức chính sách đối ngoại dài hạn của Mỹ.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới tuy không tách riêng chiến lược về Trung Quốc, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn là vấn đề nổi bật trong tài liệu mới được Nhà Trắng công bố.

Tài liệu có đoạn: “Hành động cưỡng ép và gây hấn của Trung Quốc xuất hiện trên toàn cầu, nhưng gay gắt nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Hành động đó được minh chứng bằng các cứ liệu cụ thể: đó là các chiến dịch gây sức ép kinh tế với Australia; đụng độ ở biên giới với Ấn Độ; gây áp lực với Đài Loan và bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Sắp tới, kế hoạch của Mỹ được xác định rõ, tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ, hợp tác quân sự sâu hơn với các nước trong khu vực để răn đe Trung Quốc.

Những hợp tác quân sự nổi bật là: thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia; và mở rộng nỗ lực chống tấn công mạng và các mối đe dọa từ công nghệ mới nổi. Ngoài ra còn các ưu tiên khác, như thúc đẩy pháp quyền trên các vùng biển, vùng trời của khu vực, và hỗ trợ khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Washington đã chọn đúng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du các nước Thái Bình Dương, tham dự cuộc họp “Bộ Tứ” để công bố tài liệu về Chiến lược mới. Rất khôn ngoan, Nhà trắng luôn mềm mỏng, rằng Mỹ không thúc ép các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương phải “chọn phe” giữa Washington và Bắc Kinh.
Không quốc gia nào dại dột hợp tác với anh này để đánh anh kia. Cách dễ hiểu nhất là chọn lẽ phải, cách mà lâu nay các nhà ngoại giao hay nói là “hai bên cùng thắng”. Đối phó với Mỹ, Trung Quốc cũng tỏ ra rất uyển chuyển. Bắc Kinh không bao giờ ảo tưởng rằng một ngày đẹp trời nào đó thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ dịu xuống vì một nguyên nhân bên trong nào đó. Rất có thể có sự ổn định tương đối trong ngắn hạn, nhưng lâu dài thì không bao giờ!

Trung Quốc cho rằng, thái độ thù địch của Mỹ sẽ chuyển thành các hành động liên tục đe dọa an ninh quốc gia nước này, do vậy việc hoá giải mối đe dọa từ Mỹ cần có thời gian. Thời gian chính là lực lượng. Nhiệm vụ trước mắt của Trung Quốc là củng cố khả năng răn đe của mình để ngăn chặn Mỹ sử dụng các biện pháp cưỡng ép chiến lược cực đoan. Chẳng hạn, nếu chuẩn bị thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự, thì quân đội Trung Quốc cần được tăng cường khả năng răn đe đối ngoại, bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân.

Về lâu dài, Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển, làm rõ khả năng trong việc đột phá vòng vây công nghệ của Mỹ. Bởi Mỹ và các đồng minh vẫn ảo tưởng sẽ bóp nghẹt được sự phát triển của Trung Quốc. Một khi càng nhanh chóng phát triển thì sẽ càng giáng đòn chí mạng vào sự kiêu ngạo của Mỹ và sự tự tin của các đồng minh.

Thế là hai bên vẫn tiếp tục rền dứ. Nói theo tiểu thuyết chương hồi của Tầu thì đợi đến hồi sau sẽ rõ. Dẫu sao, Chiến lược mới của đối phương được đưa ra lúc này cũng là cách thử phản ứng của con hổ. Vì hổ rồi cũng đến lúc phải ra khỏi hang không “ẩn mình” mãi được.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới